Chặng đường của một thương hiệu dịch vụ Ô tô

 

 

Ô tô ở Việt Nam sau năm 1945 được chia ra làm hai thời kỳ, trước năm 2000 là thời kỳ của các dòng xe của các nước trong khối Xã hội Chủ nghĩa, bao gồm các thương hiệu đến từ Liên Xô (Nga ngày nay), Tiệp Khắc (Slovakia và Séc), Ba Lan và một ít xe của Trung Quốc mà thực tế là phát triển từ các phiên bản gốc của Liên Xô. Người ta gọi các dòng xe này là Thế hệ I.

Đến cuối những năm 90 thế kỷ trước, những thương hiệu đến từ Nhật Bản, Đức người ta gọi là xe Thế hệ II nhưng có số lượng cực ít.

Đối với xe thế hệ I, hầu như đều thuộc sở hữu nhà nước, lác đác có vài chiếc Lada, U-oát cũ được thanh lý cho tư nhân. Thời điểm đó, có U-oát nhìn là toát mồ hôi còn có được Lada thì gái nào cũng đổ. Các cơ sở sửa chữa cũng chỉ toàn của nhà nước nên khái niệm dịch vụ không hề có.

Người ta muốn mua phụ tùng, ra chợ Giời và sửa chữa xe thì mang vào nhờ các bác thợ xưởng Nhà nước. Mỗi lần sửa xong, mời nhau cốc bia hay biếu cân chè là vui như tết.

Từ năm 2000, số lượng xe hơi bắt đầu tăng nhanh, chuyển mình và hình thành thị trường, cắt đuôi Thế hệ xe I. Lúc này, các hãng xe ô tô ồ ạt đầu tư vào Việt Nam. Cơ chế thị trường được mở rum (room) gần như hết cỡ. Các thành phần kinh tế được phép tham gia nhập khẩu xe mới và cũ. Thị trường những năm đầu của thế kỷ 21 đánh dấu mức tăng trưởng rất nhanh của thị trường xe nhập khẩu, ở các thành phố lớn các dòng xe cao cấp của Nhật, Đức, Mỹ ngày một xuất hiện nhiều. Khi những dòng xe cao cấp này du nhập, khái niệm dịch vụ và phụ tùng có tính chuyên sâu bắt đầu hình thành.

Miền Nam thì quen với các thương hiệu xe châu Âu, Nhật, Mỹ nên dịch vụ sửa chữa, nâng cấp hay bán phụ tùng không phải là mới mà chỉ là khôi phục nên khi được mở cửa chẳng khác gì “ruộng khô được cơn mưa rào’. Dịch vụ sửa chữa, buôn bán phụ tùng bắt đầu phát triển và lan ra Miền Bắc.

Những người thợ, cửa hàng buôn bán phụ tùng Miền Bắc thì quen với những dòng xe đã tồn tại qua hàng mấy chục năm, gần như không thay đổi về kết cấu, kiểu dáng nên dù bậc thợ có cao nhưng khi gặp những chiếc xe “tư bản” là không biết phải bắt đầu từ đâu. Thế hệ kỹ sư một thời, cũng không có thêm các thông tin hay công nghệ nào khác nên cũng chẳng giúp ích gì cho công cuộc thay đổi từ Thế hệ xe ăn chắc, mặc bền, ngả đâu cũng sửa được sang Thế hệ xe bóng bẩy, đẹp, tiết kiệm, tiện nghi nhưng vô cùng tinh vi và phức tạp.

Thời đó, thợ Miền Nam là số một, xưởng nào có thợ Miền Nam chăng biển ghi rõ to “Thợ Miền Nam hay Có thợ Miền Nam”. Đó là một thương hiệu! Quả đúng thế vì thợ Miền Nam tay nghề rất tốt, kỹ năng gò hàn sơn thì không thể chê. Hơn nữa, tinh thần làm việc của họ đã thấm nhuần chất “dịch vụ” nên cung cách làm việc, ứng xử khác xa tư duy “bao cấp”. Do vậy, các chủ xe Bắc tự nhiên được phục vụ như ông Hoàng, sửa nhanh lại chuẩn sao lại không phê.

Phụ tùng thời đó, ngoài chợ Giời thượng vàng hạn cám thì không có chỗ nào có thể mua được phụ tùng. Nguồn cung cũng bắt đầu từ các đầu mối Miền Nam. Ban đầu các thợ Miền Bắc hay các cửa hàng phụ tùng cho các xe Thế hệ I khi tiếp cận với phụ tùng xe Thế hệ II thì vô cùng gian nan vì theo thói quen, hầu như các xe thế hệ trước lắp lẫn nhau được hết nên họ chỉ việc nhớ một số tên, kích thước là có thể mua bán ngon lành nhưng sang thế hệ mới này thì hoàn toàn khác lạ. Ngày ấy mới có chuyện giở khóc giở cười là phụ tùng máy lạnh anh thợ Miền Bắc muốn mua, mô tả cho anh Miền Nam “Nó to như cái đài, nhiều nan, giữa đan zíc zắc như vắt sổ” và anh Miền Nam gửi ra cái hộp công tơ điện.

Khi ấy, một công ty ô tô với ý tưởng “Muốn chữa được bệnh, trước tiên phải có thuốc” ra đời. Khi thành lập, công ty vượt ra khỏi khu vực chiến lược của dân buôn bán phụ tùng ô tô thời đó. Bắt đầu từ một căn nhà nhỏ...

 Những bước đầu không khỏi những gian nan dù khi đó, những người sáng lập đều là những người có nhiều trải nghiệm, chuyên môn và uy tín trong làng ô tô. Đúng là trong thời kỳ đó, nếu ai chưa từng làm thợ thế hệ xe cũ và không được va chạm với thế hệ xe mới thì khó mà tự tin để khởi nghiệp. Để tra được “thuốc” cho xe hơi, phải am hiểu nguyên lý, cách sắp đặt, có tài liệu và võ vẽ ít tiếng Anh. Những xe du nhập vào Việt Nam khi đó, chủ yếu là xe bãi (Secondhand) được sản xuất vào những năm 1989 đến 1995, bên cạnh đó là có một số xe viện trợ chính phủ, xe ngoại giao đời mới nên để tra cứu và nhập được phụ tùng về không phải là một chuyện dễ dàng. Và họ đã trả giá cho kiến thức bằng rất nhiều lần nhập linh kiện về mang ra cân sắt vụn. Nghề nghiệp là thế nhưng chính những khó khăn, thách thức đó, họ đã biến mình trở thành những chuyên gia chuyên nghiệp trong một thời gian rất ngắn.

Có thuốc rồi lại phải xây bệnh viện và một năm sau, họ đã bắt tay xây dựng thương hiệu dịch vụ. Bắt đầu bằng một xưởng với quy mô hơn 1000m2 nhưng đã đầu tư khá bài bản. Vào thời điểm đó, đơn vị sửa chữa này cũng được xếp vào hàng top đầu của Hà Nội.

Có thuốc, có bệnh viện nhưng bệnh nhân từ đâu? Và họ lại bắt tay vào mua bán xe, bắt đầu bằng các xe cũ trao đổi của các khách hàng, đối tác sau đó chuyển sang nhập khẩu xe từ Mỹ, Đức...

Trong mười năm đầu, thương hiệu đã được nhân ra ở ba trung tâm lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM.

Hệ sinh thái của công ty bắt đầu hình thành, nòng cốt vẫn xoay quanh trụ “xe” với tạo ra bệnh nhân một cách đa dạng và phong phú, từ việc làm đại lý cho các hãng xe như Nissan, VW, Hyundai...

Thuốc “xe” thì ngày thêm đầy đủ, cung cấp hầu hết phụ tùng chính hãng của các hãng xe đến từ châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... cho đến các thương hiệu của các nhà sản xuất gốc phụ tùng linh kiện trên khắp thế giới.

Và bắt tay vào phát triển Hệ thống bệnh viện cao cấp, từ Hà Nội tiến ra các tỉnh thành và khi chạm vào tuổi 18 họ đã sở hữu trong tay 10 xưởng sửa chữa hiện đại, cao cấp.

Trong Hệ sinh thái của mình, họ còn phát triển thêm các hoạt động hỗ trợ, tương tác như tư vấn, đào tạo, phát hành tạp chí chuyên nghành, thương mại điện tử...

Tất cả những điều đó, đã gom xây lên một thương hiệu Dịch vụ có thể nói duy nhất ở Việt Nam bắt đầu từ chính mình và bây giờ khi bước vào tuổi 18 họ đã có thể khẳng định được vị trí của mình trên thương trường xe hơi. Thương hiệu đó là ASC Group vào tuổi 18 với niềm tin và ước mơ vươn xa.

 

 

Tác giả: Lương Đình Hùng - Nguồn: Tạp chí ô tô 2018
go top