Xe đò ngày xưa

 

 Ngày xưa, cách đây phải đến hai mươi mấy năm, khi tôi bắt đầu vào học chuyên nghiệp, việc đi lại khó khăn lắm, vì thời gian này phương tiên phổ biến chỉ có xe đạp và xe khách, hay còn gọi là xe ca, xe máy thì hầu như không có. Nhà tôi ở giữa trung tâm thị trấn một huyện miền núi, giữa hành trình từ thành phố Thái Nguyên đi sang thị xã Tuyên Quang. Hẳn hoi là một tuyến quan trọng, ấy vậy mà mỗi ngày cũng chỉ có mỗi một lượt xe chở khách ngược, một lượt xe chở khách xuôi đi qua. Tức là cùng một chiếc xe, sáng sớm chạy từ bến tỉnh này sang bến tỉnh kia trả khách, chiều chở khách chạy ngược lại. Thế nên, hàng ngày, cứ khoảng 9 giờ 30 đến 10 giờ sáng là xe khách chạy qua nhà tôi lượt đi, từ 1 đến 2 giờ chiều xe qua nhà tôi lượt về. Ngày nào cũng như ngày nào, trừ những hôm có mưa bão hoặc lũ quét.

 Lần đầu tiên đi xe khách của tôi là chính là lần đầu tôi sang nhập học bên thành phố Thái Nguyên. Hôm đó, tôi may mắn được nhét lên một chiếc ca, hiệu Hòa Bình, còn mới. Đây là loại xe chở khách “xịn” nhất thời bấy giờ, xe do nhà máy ô tô Hòa Bình mãi tận Hà Nội đóng trên khung bệ chiếc xe IFA của Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Đó là tôi nghe lỏn được từ các chú lái xe kháo nhau. Tôi còn nhớ, hồi ấy, gần nhà tôi có một chú được giao một chiếc xe Zin130 mới của Liên Xô, nhận xe chú ấy khao to ơi là to, thế nên tôi mới đoán ai mà nhận được chiếc xe khách như thế này có khi khao cả chục mâm cỗ ấy chứ. Tôi cũng nghe được mọi người rỉ tai nhau, lái xe khách thì ngoài việc kiến được nhiều tiền còn được trọng vọng vì ai muốn có chỗ ngồi tốt, hay đi lại mà quen được lái xe khách thì chỉ có nhất. Thời buổi bao cấp “nhất thương nhì thực”. Cái gì cũng “nhất thân nhì quen” từ chuyện xe tôi lại nhớ đến một chuyện rất chi là buồn cười của thời đó. Nếu nhà nào quen thân với chú canh vé ở rạp chiếu bóng thì cũng đã thấy hỉ hả, bởi thi thoảng được cho vào xem miễn phí, oách lắm.

Trong thời gian học, cứ mỗi tháng tôi lại ra bến bắt xe về quê một lần, phần vì nhớ nhà, nhớ bạn, phần vì phải về quê lấy gạo, muối và một ít tiền để ăn uống, sinh hoạt. Có bận hết gạo, vác cả sắn, khoai... tóm lại có gì mang được là mang “kiểu tăng xin giảm mua ấy mà”. Thiếu thốn vậy mà chúng tôi lạc quan yêu đời lắm, thấy cuộc đời cứ phơi phới, chẳng có gì phải bận tâm. Bây giờ nhớ lại thấy hồi đó sao mà vô tư, đơn giản đến thế vậy.

Trốn vé xe là một trong những trò chúng tôi thích thú, thứ nhất nó không làm hao đi cái túi tiền vốn đã luôn ốm tong teo của sinh viên. Thứ hai, ngồi xe lại không mất tiền nên càng kích thích tính “hiếu thắng” của tuổi “mới nhớn” thế nên chúng tôi càng hay nhảy xe tự miễn phí về nhà. Thứ ba, về nhà thì được hẳn mấy cái lợi; được ăn cơm ngon nhà rõ là ngon hơn hẳn ở ký túc. Đỡ phải xin tiền vì xin nhiều quá cũng ngượng với bố mẹ. Thứ bốn, trốn vé được cho là như một kiểu “yêng hùng” của sinh viên bọn tôi. Ngày đó, sinh viên làm gì có trò khác ngoài mấy cái vụ như chơi tú lơ khơ, phạt quỳ, phạt bôi nhọ mặt, anh nào oách hơn thì gảy đàn ghi ta phập phừng, sang trường sư phạm tán gái... Thế nên, trốn vé cũng như một thỏa mãn về tâm lý nữa. Cứ mỗi lần trốn được vé là sướng lắm, kể chuyện này là mặt cứ vênh vênh lên, nghĩ lại thấy ngượng, buồn cười.

Xe khách ngày đó đông khủng khiếp, chất như nêm, nóng như đổ lửa. Đông, chật còn hơn xe buýt trong giờ cao điểm mấy tuyến quá tải bây giờ. Tất nhiên xe thời đó còn tệ hơn vì không có máy điều hòa. Khách lên được xe là may lắm rồi, không có chuyện đi lại mà chỉ co chân lên, duỗi chân xuống để chống tê, hiện tượng xuống máu do đứng lâu. Nhưng đây lại là kẽ hở giúp chúng tôi tìm ra phương cách trốn vé. Nắm được quy luật của phụ xe, trước giờ xuất bến khoảng một tiếng sẽ mở một cửa phụ ở cuối xe để soát vé (cửa bên phải). Nhằm khi khách bâu kín anh phụ xe, chúng tôi lẻn sang hông xe bên trái, trèo chui vào xe qua chấn song cửa sổ. Xe ca ngày đó không có cửa kính kín như bây giờ mà chỉ có mấy chấn song sắt hàn chạy dọc từ đầu xe đến cuối xe. Theo “nghiên cứu” của chúng tôi thì nguyên bản là cửa thoáng gió, sau này thêm chấn song để chống tuồn hàng vào xe, thế nên khe giữa các chấn song rộng lắm. Nhỏ vậy mà bọn tôi vẫn chui qua ngon lành, nghĩ lại cũng thấy lạ, có hôm riêng đám chúng tôi chui vào được năm, sáu đứa mà nhà xe cũng chẳng phát hiện ra. Tôi nghĩ thêm đám khác như tụi tôi, có khi có chuyến trốn vé lên cả chục ấy chứ.

Có một thời gian, không biết là những chiếc xe khách đẹp đẽ đó bị điều đâu? đi tuyến khác hay do đường xấu quá nên tuyến nhà tôi bị đổi sang loại xe khách bánh cao hơn, khỏe hơn. Chúng tôi gọi xe này là xe “chuồng lợn”. Không biết ai sáng tác ra cái tên đó, nhưng ai cũng gọi vậy. Bây giờ, thỉnh thoảng tôi gặp những chiếc xe chở gia xúc hao hao lại như thấy hình ảnh xưa. Ờ, mà xe chở Lợn, Trâu bây giờ có khi còn khang trang, đẹp hơn so với xe ngày xưa chở khách nhiều. Loại xe khách này được cải tiến từ xe Zin 130 thùng gỗ. Người ta có sáng kiến đóng thêm mui bằng tôn hoa để biến thành chiếc xe trở khách. Thùng xe được bố trí hai hàng ghế, mỗi hàng chỉ có ba chỗ ngồi nhưng tôi chưa bao giờ thấy ba mà toàn phải là năm, sáu người ngồi chồng trên mỗi hàng ghế. Hai bên thành xe cũng có ô thoáng dọc thành xe, mỗi ô thoáng được hàn bằng những thanh sắt chữ V và chỉ để mỗi khe khoảng 20 cm thế nên không tuồn hàng hoặc chui vào xe qua đó được. Phía cửa hậu, mỗi bên đều được gia công chấn song chỉ để lại khoảng 1 mét làm cửa ra vào. Trên nóc gia công giá để hàng hóa, xe đạp... Ban đầu khi thay bằng chiếc xe này chúng tôi đành “ngận ngùi” móc hầu bao trả tiền cho mỗi lần đi. Mặc dù, trước khi trả bao giờ chúng tôi cũng kỳ kèo, xin xỏ với cớ là sinh viên nên cũng được anh phụ xe thông cảm, thường chỉ phải trả khoảng một nửa tiền nếu phải mua vé. Sau một hồi “ngâm cứu”, chúng tôi đã tìm ra cách để qua mặt phụ xe. Chả là, cửa hậu không đóng kín do đó là lối ra vào duy nhất nên khi soát vé, thu tiền xong, đẩy cho mọi người lên hết thùng, phụ xe ngó nghiêng một hồi rồi nhảy lên ca bin. Lợi dụng khi xe chuyển bánh, chạy chậm chúng tôi đuổi theo bám lên thành xe trèo vào thùng, cứ vậy mà mấy đứa bọn tôi lên được hết đấy. Cũng có hôm đông quá bọn tôi còn trèo cả lên nóc hàng ngồi. Ngồi trên nóc xe thích lắm, gió mát, ngắn nghía cảnh vật trên đường. Bây giờ nghĩ lại thấy sợ, hồi đó chúng tôi chẳng biết sợ là gì. Có lúc xe chạy lên đèo, đèo cao, đường nhỏ, ngoằn nghèo, ổ voi là chính chứ ngay cả ổ trâu cũng hiếm, nên gì có ổ gà. Mỗi khi xe bò qua, độ sâu của mấy ổ voi làm cho xe nghiêng bên này, ngả bên kia, quằn quại. Nhiều lúc xe trượt trượt bánh như trực lao xuống vực, tôi thót cả tim lại, cả đám ngồi trên nóc hét rú lên. Thế mà khi xe vượt qua khúc đó thì chuyện lại đâu vào đấy, quên ngay. Còn một trò trốn vé nữa mà chúng tôi “sáng tác” riêng cho chiếc xe “chở lợn”. Có lẽ nhà xe cũng đoán già đoán non là có trốn vé nên cảnh giác. Khi thấy người ở bến tấp nập mà lại thấy chỉ vài khách là họ nghi, nhìn, dòn để nhớ mặt. Đã có một cậu trong đám tôi bị bắt vì đứng nghênh ngang gần xe, khi phụ xe hỏi có đi không thì lại nói không. Đến bến, phụ xe phát hiện anh chàng này, thế là bị lôi lại mua vé bù, tý nữa thì bị ăn thêm cái bợp tai. Từ đó, rút kinh nghiệm, chúng tôi cứ lượn lờ ở xa, khi xe chạy mới phi đến thật nhanh. Nhà xe cũng khôn, họ chống lại “mưu” chúng tôi bằng cách, để cho mọi người lên thùng hết, phụ xe đi lại ngó nghiêng rồi mới lên nhanh ca bin. Xe chuyển bánh rất nhanh, áp dụng cách này nên nhà xe đã cho chúng tôi bị rớt mấy lần. Để phá “mẹo” này, chúng tôi chụm bàn nhau. Để không bị rớt, áp dụng hai phương pháp, một theo truyền thống, hai là nhờ bạn đưa tiễn chạy xe đạp chậm trước mũi xe, hoặc giả vờ xe hỏng giữa đường để thừa cơ chúng tôi tót ngay lên thùng. 

Bao nhiêu năm qua đi, thi thoảng chúng tôi lại ngồi với nhau ôn lại những kỷ niệm, trốn vé xe không phải là một chuyện hay nhưng ý thức của chúng tôi khi đó chỉ đơn giản là nếu đi không mất tiền sẽ đỡ xin tiền bố mẹ, thêm một chút cảm giác nghịch ngợm chứ không hề có ý đố như một sự phá phách hay nguông cuồng. Chuyện đó cũng không bị coi là xấu khi đó, không có gì to tát, vì nếu bị phát hiện thì phải chịu mua vé bù, cùng lắm bị anh phụ xe dọa bợp tai, đá đít. Những kỷ niệm ngay đó, nó gợi nhớ cho chúng tôi về một thời tuổi trẻ, khó khăn nhưng lạc quan. Chúng tôi mang hành trang đó như một phần để không quên thời đó, không quên những gì góp phần để mình có cơ hội hôm nay. Đặc biệt, nó cho chúng tôi thêm lạc quan để vượt qua khó khăn trong hiện tại.  

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2011- Lương Đình Hùng

go top